Tổng quát Hsinbyushin

Hsinbyushin chết khi mới 39 tuổi. Nhà vua có 20 vợ và 41 con.[1][33]

Sinh thời Hsinbyushin lập con trưởng là Singu làm thái tử, việc đó mâu thuẫn với di huấn của Alaungpaya rằng 6 người con ông này phải tuần tự kế ngôi. Lúc Hsinbyushin chết, huynh trưởng ông đã mất trước đó nhưng 4 em trai ông đều còn sống. Tuy nhiên, Singu được Maha Thiha Thura chống lưng đã lên ngôi khá êm thấm. Nhà vua mới liền ra sức thanh trừng các đối thủ tiềm ẩn có thể tranh ngôi với mình.

Hsinbyushin là người có tài cầm quân, song sự đam mê chinh chiến của ông đã gây tác hại rất lớn cho Miến Điện. Năm 1766-1767, ông vừa đánh Xiêm vừa đánh Thanh, tạo cho quân Thanh ép sát thủ đô Ava, xém tí nữa thì Miến Điện mất nước. Hsinbyushin có nhận ra đây là sai lầm. Sau này, nhà Thanh đã thua nhưng còn căm tức, cho dàn quân dày đặc ở Vân Nam trong vòng 1 thập kỷ để hăm dọa. Hsinbyushin cũng ra sức phong bị, không đi đánh đâu nữa dù sự bị động của Miến giúp Xiêm quật khởi mạnh mẽ dưới tay vua Taksin, thành một nguy cơ tiềm ẩn đối với Miến từ phía Đông.

Hsinbyushin thường chiếm được đất nhưng không giữ được lâu. Ông và triều đình Miến không thể quản lý chặt chẽ các vùng bị chiếm. Dù phải tốn bao xương máu để chinh phạt Ayutthaya, người Miến phải giữ được quốc đô Xiêm có vài tháng thì phải rút về chống quân xâm lược Thanh. Một thủ lĩnh tài ba của Xiêm là Taksin thừa dịp hưng binh đánh Miến, giải phóng hầu hết vương quốc Xiêm năm 1770. Miến Điện chỉ còn giữ Tenasserim. Thêm vào đó, Hsinbyushin liên tục ném quân vào Manipur, Cachar và Jaintia nhưng không bình định được lâu dài.[33] Các vua xứ Cachar và Jaintia chỉ thần phục ông trên danh nghĩa. Dân Manipur dù nhiều lần thua nhưng sau khi Hsinbyushin chết, họ lại bật dậy và đến năm 1782 thì giành được độc lập. Thêm vào đó, quân đội Miến lại đánh Xiêm khoảng năm 1775–1776, cũng đánh vào sâu trong đất Xiêm nhưng chẳng giữ được thành quả. Hai năm sau khi Hsinbyushin chết 91778), Ai Lao mất về tay Xiêm. Người Xiêm đặt Vientiane làm chư hầu còn Luang Prabang chịu liên minh với Xiêm.[34]

Thói dùng binh của Hsinbyushin còn đưa tới một hậu quả khác cũng tai hại không kém đó là sự xuất hiện của văn hóa độc tài quân sự trong giới tướng lĩnh. Từ thập niên 1770 và đặc biệt là sau khi Hsinbyushin bệnh không dậy được, các tướng tá và trấn thủ người Miến ngày càng cư xử chuyên quyền, độc đoán, đẩy sự căm tức của các dân tộc trong vương quốc. Quân sĩ Mon nổi dậy năm 1773 bị dập tắt nhưng dân Chiang Mai năm 1774-74 thành công. Những lần đánh dẹp bạo loạn, cộng với các cuộc chinh phạt không dứt của Hsinbyushin khiến vương quốc khánh kiệt, nhân dân mệt mỏi nên vui mừng đón nhận chính sách hiếu hòa của vua mới Singu.[35]